[ad_1]
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, từ những kết quả đã đạt được hứa hẹn cả năm 2018 cả nước có mùa bội thu như năm ngoái, tức có thể hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách của năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính phải đốc thu và quản lý thu ngay từ bây giờ, phải áp dụng tất cả các biện pháp để cố gắng làm sao vượt mức dự toán thu ngân sách 5%. |
Đánh giá thu ngân sách năm có thể hoàn thành, nhưng Phó Thủ tướng lưu ý, do còn một số địa phương thu dưới 50% nên vẫn có những rủi ro trong việc hoàn thành kế hoạch thu của năm 2018. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường công tác quản lý thu hơn nữa, chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế…
Dẫn câu chuyện liên quan đến đề xuất đánh thuế tài sản gây sự quan tâm của dư luận thời gian qua, Phó Thủ tướng cho hay, thuế tài sản gồm thuế nhà và đất; thuế đất gồm thuế đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Đối với thuế nhà, nếu theo tính toán đề xuất ngưỡng giảm trừ ở mức 700 triệu đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, với ngưỡng này thì dự kiến chỉ thu 2.500 tỷ đồng mỗi năm, còn nếu nâng ngưỡng lên 1 tỷ đồng thì số thu mỗi năm chỉ còn 1.500 tỷ đồng.
“Con số này chỉ là một phần thu rất nhỏ so với số nợ đọng thuế mà chi phí quản lý thuế nhà lại cao, có những nơi chi 2 đồng mới thu được 1 đồng thuế nhà đất. Vì thế, việc chống thất thu, chống nợ đọng thuế mới là vấn đề quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cũng cần nghiên cứu việc thu thuế nhà đất, nhất là ở những thành phố lớn. Bởi lẽ, đây chính là nguồn thu của các chính quyền địa phương, cũng như liên quan đến nghĩa vụ của người dân với vấn đề kết cấu hạ tầng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các tỉnh để có tổ rà soát kiểm tra công tác thu từ các địa phương mà còn dưới 50% dự toán để xem nguyên nhân vì sao? Do dự toán hay do quản lý thu, trách nhiệm cho dân, trách nhiệm địa phương thế nào? Phó Thủ tướng cảnh báo, nếu không khéo lại xảy ra tình trạng như mấy năm trước, cả nước thì hụt thu, ngân sách Trung ương phải gánh; mà không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt thu đi bù cho tỉnh hụt thu được mà ngân sách trung ương phải có trách nhiệm với các tỉnh hụt thu.
“Đốc thu và quản lý thu ngay từ bây giờ, phải áp dụng tất cả các biện pháp để cố gắng phấn đấu vượt mức dự toán thu ngân sách 5%. Nghị quyết giao là 3% nhưng Thủ tướng yêu cầu phải giao cho ngành tài chính chính ít nhất là 5%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị phải siết kỷ luật về chi ngân sách, chi đúng mục tiêu, nhất là các khoản chi khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, mua sắm ô tô, mua sắm công… Xử lý nghiêm theo kết quả thanh tra kiểm toán, sai phạm của các tổ chức sẽ là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chi tiêu thường xuyên.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp thu ý kiến các tỉnh để xây dựng tốt dự toán thu – chi của năm 2019, khắc phục tình trạng: Trung ương hụt thu mà địa phương nguồn thu nhiều, có địa phương hụt thu có địa phương tăng thu rất nhiều so với dự toán.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý, kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi 3,7% GDP theo dự toán Quốc hội quyết định; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa 12…
Nam Phong Group
Block "lien-he-footer" not found