Thị trường BĐS nhiều nơi đang tăng “nóng”, giá đất cao bất thường…Lượng khách hàng vay vốn đầu tư BĐS tăng lên nhanh chóng, tại nhiều khu vực khách hàng thế chấp theo kiểu gối đầu cả 5-7 cuốn sổ đỏ đã khiến ngành ngân hàng dấy lên lo ngại về nguy cơ vỡ bong bóng BĐS. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng thương mại đã siết chặt cho vay trong lĩnh vực bất động sản dù đây là phân khúc khá hấp dẫn.
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 17% (thấp hơn năm 2017 ở mức 18,7%) và đề nghị các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt hơn dòng vốn đổ vào thị trường BĐS.
Hiện với các trường hợp vay dài hạn, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, trước tình trạng giá nhà đất thời gian qua tăng khá nóng, các ngân hàng đều có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị. Cùng với việc nâng lãi suất, các ngân hàng cũng tăng cường siết chặt ưu đãi, và nâng phạt lãi suất trả trước hạn.
Trước tình các các ngân hàng siết chặt tín dụng cho bất động sản, nhiều chuyên gia cho biết sẽ tác động mạnh mẽ đến người mua nhà. Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu từng đánh giá, việc tăng lãi suất vay lĩnh vực bất động sản kèm với quy định vay bị siết lại gây bất lợi cho khách hàng, hạn chế khả năng trả nợ của khách hàng.
“Khách hàng thường trả nợ dựa vào nguồn thu từ kinh doanh và các nguồn thu cố định khác. Nếu lãi suất tăng, chi phí vay trong mỗi tháng tăng lên sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho người vay. Nếu tiếp tục theo xu hướng này, có thể nó sẽ đẩy một số khách hàng vào rủi ro mất khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Đặc biệt, trong tình hình ngân hàng hiện nay, mặc dù có thể họ cho vay trung và dài hạn, có chỗ lên đến 20 năm, nhưng có những khoản vay không nhận được sự hỗ trợ của NHNN mà lãi suất được điều chỉnh theo thời kỳ, ví dụ 3 tháng, 6 tháng, 12 năm. Khi lãi suất có xu hướng tăng thì nó sẽ là gánh nặng cho người đi vay”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cũng lo ngại việc tăng lãi suất ngân hàng sẽ gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp mua nhà, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng Nhà nước cần có chính sách cụ thể để kiểm soát chặt chẽ đối với từng phân khúc của thị trường BĐS, chỉ siết ở phân khúc cao cấp còn mở ở phân khúc trung và thấp cấp. Bởi lẽ, hiện nay nhà giá rẻ, chung cư bình dân vẫn đang có nhu cầu rất nhiều. “Vì thế, nên có chính sách ưu tiên hướng đến dự án thuộc phân khúc này, đặc biệt là các gói lãi suất ưu đãi”, ông Châu nhấn mạnh.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam, người mua nhà ở nhiều nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Theo khảo sát của Tập đoàn HSBC, việc tăng lãi suất là mối lo lắng hàng đầu của những người đang có khoản vay mua nhà trên khắp thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Khảo sát có sự tham gia của hơn 10.000 người ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, 22% trong số người được khảo sát cho biết, nếu lãi suất khoản vay tăng lên 2%, họ sẽ gặp khó khăn hoặc không có khả năng thanh toán; tỷ lệ lên đến 47% nếu mức tăng lãi suất lên 5%.
Mặc dù việc tăng lãi suất trước mắt sẽ tác động không tốt đến thanh khoản của thị trường bất động sản tuy nhiên theo các chuyên gia về lâu dài sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Bởi tăng lãi suất khiến việc vay trở nên không thuận lợi như trước nữa. Nó có tác dụng điều chỉnh thị trường bất động sản, tránh đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng.
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi các ngân hàng rộng tay cho vay lĩnh vực với lãi suất ưu đãi đã đẩy thị trường bất động sản vào thời kỳ phát triển rất mạnh và tạo bong bóng, còn các ngân hàng ôm những khoản nợ xấu rất lớn.