[ad_1]
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, 1 trong 8 tuyến thuộc dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia của Hà Nội, có đoạn tuyến đi ngầm qua khu trung tâm thành phố, gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận.
Di sản cần bảo vệ tuyệt đối
Theo báo cáo của Uỷ ban, trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án, trong đó, phương án 1 có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền bà Kiệu.
Phương án này được Hà Nội đề xuất lựa chọn, sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, môi trường… và đã được các bộ, ngành liên quan chấp thuận. Bởi vì có nhiều ưu điểm như: tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác; phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 và các quy hoạch khu vực liên quan.
Phương án 2 (dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt) không được lựa chọn do “vi phạm hành lang bảo vệ theo luật Đê điều, tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao”.
Thống nhất việc xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội là cần thiết, song theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, các chuyên gia cho rằng nếu lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa Trung tâm thủ đô, nhưng chưa có báo cáo tác động.
Cụ thể, tuyến đi ngầm qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm thành phố, có 1 phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm luật Di sản văn hóa.
Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích. Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân tháp Bút chỉ có 1 m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của luật Di sản văn hóa, do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (tháp Bút hiện đang bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.
Trong quá trình xây dưng dự án, Hà Nội đã có tính đến các yếu tố bảo tồn di sản nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động của dự án đối với di sản văn goá, cảnh quan di tích tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng như toàn tuyến số 2, báo cáo nêu rõ.
Các nhà khoa học cũng cho rằng vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực. Ngoài ra còn có nguy cơ về sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ… chưa được tham vấn cơ quan chuyên ngành trong khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và chuyên gia.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng chọn hướng tuyến đường sắt theo phương án 1 cho thấy Hà Nội “chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa, văn hiến Thủ đô”.
Báo cáo của uỷ ban cũng tỏ rõ quan điểm “hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và đền bà Kiệu là di sản văn hóa đặc biệt và đặc sắc, nằm trong khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến nghìn năm của thủ đô, không chỉ là di sản của Hà Nội mà là của quốc gia, là không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam, cần được bảo vệ tuyệt đối theo luật Di sản văn hóa”.
Ủy ban đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
Đội vốn thêm 16.000 tỷ
Trong một diễn biến khác, Hà Nội vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Theo đó, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008 là 19.555 tỷ đồng và nay điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng, trong đó vay ODA của JICA khoảng 30.500 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn 5.100 tỷ đồng.
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội lý giải, tổng mức đầu tư tăng hơn 16.100 tỷ chủ yếu do biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công (tăng hơn 8.560 tỷ, tương đương 43,6%).
Ngoài ra, các nguyên nhân khác bao gồm, thay đổi về quy mô đầu tư (tăng gần 1.803 tỷ, tương đương khoảng 9%); thay đổi chế độ chính sách của nhà nước trong quản lý chi phí đầu tư (tăng hơn 3.525 tỷ, tương đương khoảng 18,4%); thay đổi tỷ giá (tăng hơn 2.235 tỷ, tương đương khoảng 11%).
Hà Nội cũng đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến 2023 thay vì 2015 như dự kiến ban đầu. Nguyên nhân do quá trình xem xét, thẩm tra thẩm định dự án điều chỉnh kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay nên chưa thể tổ chức đấu thầu; việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch các ga ngầm gặp nhiều khó khăn; do phải thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở đế phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả dự án, do các thay đối về thể chế… Hiệp định vay vốn đã được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký với JICA từ tháng 3/2009.
Thêm nữa, ngoài điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ, dự án còn có khả năng phải chờ Quốc hội phê duyệt, bởi theo luật Đầu tư công mới, các dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải do Quốc hội thông qua.
Vì thế, Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là đơn vị chủ trì soạn thảo luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn luật này báo cáo Thủ tướng về xử lý chuyển tiếp đối với dự án.
Nam Phong Group
Block "lien-he-footer" not found