[ad_1]
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm các chủ thể có hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định.
Một trong 8 tranh chấp cơ bản
Theo chỉ thị, công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư thời gian qua có tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập và quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư. Đặc biệt, việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì (2% giá trị căn hộ) phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành còn nhiều tranh chấp làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt.
Còn trong một báo cáo Bộ Xây dựng gửi Chính phủ mới đây, có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì.
“Ôm” hàng trăm tỉ đồng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các vụ cư dân “tố” chủ đầu tư chậm trả quỹ bảo trì chung cư xảy ra thường xuyên tại Hà Nội. Cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng) đã nhiều lần căng băng-rôn yêu cầu chủ đầu tư giải quyết nhiều cam kết, trong đó có việc bàn giao khoảng 40 tỉ đồng phí bảo trì. Theo cư dân, họ đã chuyển về ở khoảng 4 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư Star City (quận Thanh Xuân) đã đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỉ đồng trong tổng số hơn 30 tỉ đồng.
Khi mua nhà chung cư, khách hàng phải đóng một khoản tiền quỹ bảo trì tòa nhà là 2% tổng giá trị căn hộ. Mỗi dự án tùy theo mức giá sẽ có quỹ bảo trì khác nhau, dao động từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng. Anh Nguyễn Văn Định (cư dân một tòa chung cư ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) cho rằng chủ đầu tư cố tình chậm bàn giao vì số tiền quỹ bảo trì không hề nhỏ, sinh lãi nhiều khi gửi ngân hàng. Trong khi đó, các chế tài việc chậm bàn giao chưa đủ sức răn đe và việc xử phạt là rất hiếm.
Cư dân chung cư Hòa Bình Green City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì. Ảnh: MINH CHIẾN
Hệ lụy cư dân lãnh đủ
Việc chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì gây ra nhiều hệ lụy khi các hạng mục trong tòa nhà xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa. Tình trạng này xảy ra tại tòa 17T1 CT2 chung cư Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi 17 tỉ đồng kinh phí bảo trì vẫn bị chủ đầu tư “ôm” nhiều năm nay. Cư dân tòa nhà đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư, cơ quan chức năng nhưng đều rơi vào im lặng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều chung cư tại TP HCM. Cư dân chung cư 4S Riverside Thủ Đức từng nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư là Công ty Thành Trường Lộc ra TAND quận 3 vì nhiều lẫn trì hoãn việc bàn giao tiền bảo trì.
“Chỉ mới vài năm vào ở từ chung cư cao cấp đã xuống thành chung cư cũ. Tường nứt, sơn trôi, bể bơi hư hỏng, cửa kính vỡ… Dù phí bảo trì lên đến 3,1 tỉ đồng nhưng chúng tôi không được cầm tiền trên tay. Dù cơ quan chức năng phát thông báo yêu cầu chủ đầu tư trả lại số tiền này nhưng họ vẫn phớt lờ” – chị Trần Thanh Trang, ngụ chung cư này, bức xúc.
Trong khi đó, 23 tỉ đồng thuộc phí bảo trì chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) thì bị chủ đầu tư chiếm dụng nhiều năm qua. Người dân đành làm đơn gửi khắp nơi với hy vọng sớm có tiền để nâng cấp thang máy, quét sơn nhưng vẫn chưa được.
Vừa qua, dù Sở Xây dựng TP HCM có kết luận về các sai phạm tại chung cư Khang Gia Tân Hưng (quận Tân Phú) và yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại phí bảo trì đang chiếm dụng 4 năm qua. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chây ì khiến người dân đứng ngồi không yên, buộc phải làm đơn đề nghị cơ quan công an bảo vệ quyền lợi.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho biết nhiều chủ đầu tư dùng thủ thuật kéo dài việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị nhằm không có đơn vị tiếp nhận phí bảo trì. Mới đây, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Nguyên bị xử phạt hành chính 125 triệu đồng khi không bàn giao phí bảo trì cho cư dân ở chung cư New Sài Gòn.
“Thử hình dung với chung cư 1.000 hộ, con số phí bảo trì lên đến vài tỉ đồng thậm chí vài chục tỉ đồng. Chỉ việc chậm bàn giao, mang tiền đi đầu tư hoặc gửi ngân hàng phát sinh lãi thì đã có thể trục lợi rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp các quận – huyện tổng kiểm tra quá trình sử dụng, đơn vị quản lý phí bảo trì chung cư” – vị lãnh đạo này cho biết.
Nhận 80 tỉ đồng phí bảo trì sau 7 năm
Chủ đầu tư dự án cụm chung cư N05 (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bàn giao gần 80 tỉ đồng quỹ bảo trì cho ban quản trị sau hơn 7 năm đưa tòa nhà vào sử dụng.
Trước đó, nhiều cư dân cụm chung cư này bức xúc “tố” chủ đầu tư chây ì không chịu bàn giao quỹ bảo trì nên ban quản trị không có kinh phí để bảo dưỡng, duy tu dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
. TS PHẠM SỸ LIÊM, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Khởi tố là cần thiết!
Nhiều chủ đầu tư chây ì, thậm chí có những tranh chấp quỹ bảo trì chung cư với người dân nhiều năm bởi không có doanh nghiệp nào bị xử lý hay cưỡng chế trả lại tiền. Việc thiếu các chế tài đủ mạnh khiến nhiều chủ đầu tư lơ là nhiệm vụ của mình.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an điều tra, khởi tố hình sự các vụ “ôm” quỹ bảo trì chung cư là cần thiết. Cư dân, ban quản trị tòa nhà có các bằng chứng, cơ sở để chứng minh việc chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì có thể tố cáo lên công an.
. Luật sư BÙI ANH TUẤN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Đủ căn cứ khởi kiện, tố cáo
Luật Nhà ở quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi ban quản trị tòa nhà được thành lập. Nghị định 99/2015 hướng dẫn thực thi luật này nêu rõ trong thời hạn 7 ngày sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho đơn vị này, nếu không sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế.
Việc cưỡng chế được thực hiện khi ban quản trị tòa nhà gửi văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Sau đó, UBND tỉnh ra văn bản đề nghị chủ đầu tư bàn giao kinh phí, nếu chủ đầu tư không thực hiện thì ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cưỡng chế này chưa “ăn thua”.
Do đó, người dân có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả theo quy định của Bộ Luật Dân sự và khoản 2, điều 43, Thông tư 02 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm dụng phí bảo trì, có dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì người dân có quyền tố cáo hành vi này đến công an.
. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Quy định có, thiếu chế tài
Khi đưa vào hoạt động, các chung cư phần lớn sẽ phát sinh một số mâu thuẫn. Trong đó, mâu thuẫn liên quan đến phí bảo trì chung cư chiếm tỉ lệ rất cao. Hiện nay, dù các quy định rõ ràng nhưng vẫn chưa có những chế tài mạnh nên nhiều chủ đầu tư không chấp hành nghiêm.
Nam Phong Group
Block "lien-he-footer" not found